Kỳ thi THPT Quốc gia: Đề thi sẽ yêu cầu cao dần

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với hai thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thứ trưởng Bùi Văn Ga - chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục ĐH và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục phổ thông, phát triển ngành sư phạm quanh câu chuyện “học để thi” hay “thi để học”?
 

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM)

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM)
 

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với hai thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thứ trưởng Bùi Văn Ga - chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục ĐH và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục phổ thông, phát triển ngành sư phạm quanh câu chuyện “học để thi” hay “thi để học”?

* Đổi mới cách ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia, đổi mới cách tuyển sinh liệu có tạo được “cú hích” cần thiết làm thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đổi mới thi, tuyển sinh nằm trong kế hoạch tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần nghị quyết 29. 

Mục tiêu giảng dạy tập trung theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học, không chỉ nhằm cung cấp kiến thức là chính như trước đây.

Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được điều chỉnh dần, phù hợp theo hướng này. Những năm gần đây đề thi cũng đổi mới để thí sinh quen dần, ví dụ đề thi kiểu mở, khuyến khích vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không bắt thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc...

Kết quả đã phần nào tác động đến cách dạy và cách học ở phổ thông. Về lâu dài đề thi sẽ hướng theo việc kiểm tra năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, việc đổi mới căn bản đề thi theo hướng này sẽ được thực hiện khi có chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh ĐH Quốc gia Hà Nội đi tiên phong thí điểm kiểm tra năng lực thí sinh ngay từ năm nay. Kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội rất cần thiết để đổi mới công tác đề thi trong những năm tới.

* Nhiều ý kiến của chính thầy cô dạy ở phổ thông cho rằng việc bổ sung phần thi viết chưa đủ sức nặng để tác động đến việc dạy học? Do đó, việc đưa thêm phần thi viết vào đề thi ngoại ngữ là vô ích và những đổi mới tương tự ở các môn thi khác cũng vậy?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tác dụng chưa “nặng” là để thầy và trò quen dần, không bị sốc, nhưng “sức nặng” sẽ tăng dần trong các năm sau. 

Song song với việc này, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo nhà trường phổ thông điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, hướng tới việc hình thành, phát triển các kỹ năng toàn diện hơn.

Không chỉ môn ngoại ngữ mà các môn học khác cũng vậy. Đổi mới thi cử chỉ là khâu đột phá trong bối cảnh hiện nay, khi tâm lý “ứng thí” vẫn còn nặng nề, học sinh vẫn học chương trình - sách giáo khoa cũ. Nhưng như thế không có nghĩa Bộ GD&ĐT ngồi đợi hiệu ứng của đổi mới thi để mong chờ sự chuyển biến ở chất lượng giáo dục.

Trong nhiệm vụ các năm học gần đây, Bộ GD-ĐT chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương triển khai nhiều công việc nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục, chuyển dần sang việc giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Ở các môn khoa học xã hội, đề thi nhiều năm nay đều đưa vào những câu hỏi mở khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân, biết liên hệ giữa kiến thức trong bài học và thực tế cuộc sống góp phần hình thành cho học sinh ý thức quan tâm tới những vấn đề thời sự đất nước, trách nhiệm, tình cảm của học sinh với những vấn đề diễn ra xung quanh.

Đáp án môn ngữ văn đã không còn kiểu “đếm ý cho điểm” nữa. Đó cũng là một cách để hình thành phẩm chất, năng lực người học. Cùng với việc đổi mới hướng ra đề, ở các trường phổ thông thời gian gần đây đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục.

Đây là một trong những minh chứng cho việc “đổi mới thi cử để góp phần tác động đến dạy học”. Chúng ta đều thấy rõ một thực tế là “thi sao học vậy”.

* Vậy lộ trình đổi mới thi cử các năm tiếp theo tương ứng với đổi mới dạy học ở bậc phổ thông sẽ như thế nào? Những thay đổi về cách thi, cách tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện liệu có làm thay đổi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lâu dài không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cùng với sự tiến bộ về kết quả học tập của học sinh do quá trình đổi mới quản lý, đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học đề thi cũng sẽ yêu cầu cao dần, tăng dần tính mở và yêu cầu vận dụng kiến thức.

Riêng môn ngoại ngữ, trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá thường xuyên đã bắt đầu chú ý cân đối cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. 

Đó là tiền đề cho việc đổi mới cả hình thức tổ chức thi và nội dung thi theo hướng sẽ đánh giá trực tiếp và cân đối cả bốn kỹ năng, góp phần thúc đẩy đổi mới dạy học ngoại ngữ từ một môn học nặng về học thuật sang môn học phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thay đổi cách thi không những tác động đến đổi mới cách dạy, cách học ở bậc phổ thông mà còn giúp các trường ĐH, CĐ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. 

Khi thực hiện kỳ thi “ba chung”, số lượng các khối thi giới hạn, các trường phải lựa chọn thí sinh dựa vào các khối thi có sẵn, đôi khi không thật sự phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.

Nhiều trường đã đề xuất bộ bổ sung các khối thi mới để tuyển sinh phù hợp hơn. Nay thực hiện Luật giáo dục ĐH, các trường được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, phù hợp với yêu cầu đầu ra và hội nhập quốc tế. 

Vì vậy, việc tuyển chọn thí sinh đầu vào các trường cũng phải được tự chủ để tuyển lựa thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo của trường mình.

Quy chế tuyển sinh mới giao cho các trường xác định tổ hợp những môn xét tuyển và công bố công khai. Tuy nhiên, để không gây hoang mang lo lắng cho thí sinh đã chuẩn bị cho kỳ thi từ trước, trước mắt các trường cần duy trì khối thi truyền thống và có công bố lộ trình thay thế các khối thi này bằng các tổ hợp xét tuyển mới nếu cần.

Mặt khác đổi mới công tác thi, tuyển sinh chú trọng nhiều đến sự tự chọn của thí sinh. Từ đó các em thể hiện sự khác biệt và thế mạnh của mình để theo học ngành mà các em đam mê, yêu thích. 

Rõ ràng đổi mới công tác thi, tuyển sinh sẽ có những tác động làm thay đổi căn bản việc dạy và học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

* Việc đưa phần viết luận vào đề thi môn ngoại ngữ THPT quốc gia năm nay khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng bộ đang đi một quy trình ngược khi áp dụng việc đổi mới thi để tác động lại quá trình học. Việc đổi mới sát nút chỉ khiến học sinh có tư tưởng học đối phó chứ khó có thể làm thay đổi chất lượng dạy học. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm 2014, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (chưa phải là viết luận) trong bài thi ngoại ngữ, không phải năm nay mới đưa vào; nhưng đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ do chưa chuẩn bị kịp về kỹ thuật nên chưa áp dụng quy định này.

Thêm phần thi viết trong bài thi ngoại ngữ là để tiến dần đến việc trực tiếp đánh giá cân đối cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ tiếp thu, phát huy những ưu điểm của cả hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm trước nên cũng có yêu cầu viết đoạn văn trong đề thi ngoại ngữ.

Cũng như năm trước, để động viên sự cố gắng nhưng không gây sốc cho người học, nên phần viết trong đề thi ngoại ngữ năm nay cũng không quá khó, chỉ yêu cầu viết những nội dung gần gũi, đơn giản. Điểm số cho phần này cũng tương tự như năm trước.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn tin: Phòng GDTrH
 
 
 

Tác giả bài viết: Admin