Khi tâm hồn được vun đắp bằng những hành động đẹp

“Nghèo cho sạch, rách cho thơm” - bài học về nhân cách làm người từ lúc cắp sách đến trường đã giúp Lê Doãn Ý - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Viện Đại học mở Hà Nội tại Đà Nẵng - có tấm lòng trung thực, trong sáng và nhân cách sống cao đẹp.

 

 
 
 
 
1 / 2
 
 
  Sinh viên Lê Doãn Ý  tự học trong thư viện  
 

Quý trọng công sức, tài sản của người khác

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến sinh viên Lê Doãn Ý. Hành động đẹp của Ý còn khiến tôi và nhiều người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống

Chị Phạm Ngọc Minh Thư - người được SV Lê Doãn Ý trả lại tài sản lớn bị mất 

Câu chuyện cảm động về sinh viên Lê Doãn Ý (sinh năm 1992, quê phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) trả lại một tài sản có giá trị lớn cho chủ nhân là chị Phạm Ngọc Minh Thư - hiện đang công tác tại Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm (Đà Nẵng) - khiến nhiều người nể phục. 

Lê Doãn Ý kể: Khoảng 4 giờ 30 phút chiều 23/3, khi sang nhà bạn ở đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), tôi tình cờ nhìn thấy chiếc ví ai đó đánh rơi ở con hẻm nhỏ. Nhặt lên mở ra xem, tôi bất ngờ khi thấy bên trong ví có 15,5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại iPhone 5S, giấy tờ xe SH và hai sổ tiết kiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Trân trọng tài sản của người khác, cũng như đề cao lòng tự trọng của bản thân, Ý đã kịp thời liên hệ với người sở hữu, trao trả lại nguyên vẹn toàn bộ giấy tờ và tài sản, không nhận "khoản trả ơn" từ người mất tài sản.

Được biết, hoàn cảnh gia đình Lê Doãn Ý rất khó khăn. Tuổi thơ phải trả qua những ngày tháng cơ cực, đến lúc đi học lại phải lăn lộn mưu sinh nên hơn ai hết, Ý hiểu được giá trị đồng tiền do chính mình lao động làm ra, cũng như quý trọng công sức, tài sản của người khác. Điều đó, khiến Ý không chút do dự tìm lại người mất trao trả toàn bộ tài sản mà mình đã nhặt được. 

Ý tâm sự: “Ai cũng vậy cả, khi không may đánh mất một tài sản đều cảm thấy rất buồn bởi vì đó là mồ hôi công sức mình làm ra, với một số người, tài sản đó còn là “mạng sống” của bản thân, của gia đình…Tôi nghĩ việc làm của mình là hết sức bình thường, ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ hành động như vậy, theo đúng lương tâm con người mà thôi!”.

Nghị lực vượt khó

Lê Doãn Ý sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 3 sào ruộng và thu nhập từ công việc phụ hồ của bố và tiền giúp việc nhà của mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình em phải “ba lần, bảy lượt” chuyển chỗ ở nhiều nơi. 

Gia đình Ý quê gốc ở xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), năm 2000, cả nhà chuyển vào Gia Lai theo chủ trương xây dựng kinh tế mới. Sống, lập nghiệp được gần 12 năm nhưng không có ruộng đất nhiều nên bố mẹ Ý quay trở về Hà Tĩnh tiếp tục đi làm thuê trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học.

Chính vì cuộc sống gia đình khó khăn nên con đường học tập của Lê Doãn Ý cũng rất vất vả. Ý cho biết: “Khi đang theo học năm thứ 3 ngành Kiến trúc – Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nhưng vì điều kiện gia đình, tôi buộc phải nghỉ học khi chỉ còn không đầy 2 năm nữa là ra trường. 

Sau những ngày tháng lam lũ làm thêm khắp nơi cũng với sự trăn trở về tương lai của mình, tôi đã quyết định chọn học ngành Quản trị Kinh doanh – Viện Đại học mở Hà Nội tại Đà Nẵng theo hình thức đào tạo từ xa (E-learning) cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân”.

Theo học ngành mới gần 1 năm nay, ban ngày Ý tập trung học tập, nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu theo chương trình đào tạo. Còn buổi tối, Ý đi làm thêm tại khách sạn với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Số tiền tích cóp từ việc làm thêm, cùng một khoản nhỏ hỗ trợ từ bố mẹ là tất cả chi phí trang trải cho cuộc sống sinh viên vừa học vừa làm của Lê Doãn Ý. 

Hiện tại, Ý đang sống nhờ tại nhà một người quen. Ngày nào bận rộn, không có thời gian, Ý ăn cơm bụi, còn đa phần cậu sinh viên tự nấu nướng để tiết kiệm chi tiêu, dành tiền đầu tư cho việc học, đỡ đần bố mẹ bớt vất vả hơn.

Nhà trường, xã hội tôn vinh hành động đẹp

Em luôn tâm niệm một điều: “Thể xác con người sống bằng nhịp đập con tim, còn tâm hồn được vun đắp bằng những việc làm tốt đẹp”.

Sinh viên Lê Doãn Ý  

Điều đáng khâm phục là dù hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải mưu sinh, nhưng thành tích học tập của Lê Doãn Ý rất đáng nể. 

Cô Trịnh Hoàng Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Đại học Mở tại Đà Nẵng (Viện Đại học mở Hà Nội) - cho biết: “Qua theo dõi cũng như kết quả học tập các học phần trong học kỳ 1 đã phản ánh sinh viên Lê Doãn Ý có học lực khá, trong đó có nhiều tín chỉ đạt điểm giỏi. Trong thời gian tham gia học tập tại trường, Ý luôn nhiệt tình, có ý thức tốt thực hiện các hoạt động, chủ trương, chương trình mà nhà trường nêu ra”.

Được biết, câu chuyện Lê Doãn Ý nhặt được của rơi, trả người đánh mất được nhà trường, gia đình, bạn bè biết được qua các phương tiện thông tin đại chúng. Và lãnh đạo trường đã kịp thời nắm bắt, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, động viên Ý. 

Lê Doãn Ý nhận được nhiều suất học bổng có giá trị từ các tổ chức, đơn vị nhằm động viên, hỗ trợ em vượt qua khó khăn, vững tin học tập, xây dựng tương lai. 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhà trường sẽ giới thiệu tấm gương sinh viên Lê Doãn Ý đến với tập thể học viên, sinh viên đang theo học tại trường để học tập, rèn luyện phầm chất đạo đức, nhân cách làm người.

Nói về những dự định cho tương lai, sinh viên Lê Doãn Ý không nghĩ về những điều xa vời mà chỉ thể hiện quyết tâm, nỗ lực tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện để hoàn thành chương trình đào tạo, có sức khỏe để có thể cống hiến, làm thêm nhiều việc tốt đẹp cho đời, cho người. 

 
Theo Báo giáo dục & thời đại