Nhớ một thuở học trong bom đạn

Thấm thoắt mới tưởng như ngày nào, vậy mà ngôi trường cấp 3 chúng tôi học ngày ấy đến nay đã vừa tròn nửa thế kỷ rồi. Ra đời năm 1960, ngôi trường của chúng tôi ngày ấy là trường cấp 2 - 3 đầu tiên của Hà Nội trên đất Thanh Trì.

Lúc đầu, như không ít ngôi trường khác thuở bấy giờ, trường được đặt tại chùa Văn Điển. Đến cuối năm 1961 trường chuyển về vị trí hiện nay (thôn Tứ Kỳ, xã Hoàng Liệt - nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) và được xây dựng mới. Ngày 22/7/1962, trong buổi lễ khánh thành ngôi trường mới, trường long trọng tổ chức lễ kết nghĩa với Trường Phổ thông số 9 huyện Prutskốp, thủ đô Vacsava của nước cộng hòa Ba Lan và chính thức mang tên Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, nay là Trường THPT Việt Nam - Ba Lan mà phần nhiều mọi người vẫn quen gọi một cách gần gũi là Trường Việt Ba. 

Trường THPT Việt Nam - Ba Lan được nhiều người quen gọi một cách gần gũi là Trường Việt Ba.

Khi lứa học sinh cấp 3 đầu tiên vừa ra trường năm 1964 thì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nổ ra. Thầy và trò nhà trường vừa dạy học, vừa tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, với quyết tâm đánh thắng giặc trên mặt trận giảng dạy và học tập, các lớp học được phân tán về hầu hết các xã trong huyện và được nhân dân nhiệt tình giúp đỡ, che chở. Trong ký ức các thế hệ nhân dân khu vực vẫn khắc sâu hình ảnh những lớp học sơ tán ở các thôn xóm thuộc các xã Hoàng Liệt, Thanh Liệt, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Liên Ninh, Duyên Hà, Yên Mỹ, Vạn Phúc, Đại Kim... Thầy trò vừa giảng dạy và học tập, vừa làm hầm, đào giao thông hào, sẵn sàng chiến đấu. Dưới bom đạn của giặc, thầy trò vẫn hăng say, miệt mài dạy và học.

Ngày 2/12/1966, với các thế hệ học sinh Việt Ba những năm chống Mỹ là một ngày không thể nào quên. Đó là ngày giặc Mỹ ném bom xuống trường khi thầy trò vẫn còn trong giờ học. Tiếp đó, hơn một chục ngày sau, ngày 13 và 14/12/1966, trường tiếp tục bị máy bay Mỹ đánh phá lần thứ hai và hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Khi đó, các lớp học đều được phân tán tại các địa điểm sơ tán. Năm 1968, khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, thầy trò nhà trường Việt Ba về học trong các nhà tạm được làm bằng tranh tre nứa lá thì đêm ngày 26/12/1972, một lần nữa trường lại bị bom B52 hủy diệt toàn bộ. Hiếm có một ngôi trường nào ở thủ đô Hà Nội lại bị bom tàn phá hủy diệt đến ba lần như thế!

Tôi có may mắn được là học trò Việt Ba của những năm tháng ấy. Có lẽ trong số các thế hệ học trò 50 năm ấy của trường, không có khóa học nào phải nếm mùi bom đạn ác liệt như khóa chúng tôi.

Năm học 1965 - 1966, lứa học trò chúng tôi vào Trường Việt Nam - Ba Lan cũng đúng là năm cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bắt đầu lan đến Thủ đô Hà Nội. Ngày ấy, Hà Nội đã thực sự sống trong thời chiến. Vì vậy, tuy là học sinh Việt Nam - Ba Lan nhưng qủa thực chưa một ngày nào lớp tôi được học dưới mái trường chính. Các lớp học phải sơ tán ra khắp các làng xã xung quanh trường. Hành trang đến lớp của chúng tôi ngày ấy, ngoài sách vở, mỗi đứa còn có thêm chiếc mũ rơm để phòng tránh mảnh bom, mảnh đạn pháo khi xảy ra chiến sự.

Nhớ lại chiếc mũ rơm ngày ấy cũng có nhiều chuyện thú vị. Những chiếc mũ rơm lúc đầu chỉ đơn giản là những đoạn nùn rơm nhỏ quấn lại như cái rế lót nồi, sau đó có lẽ là do học trò Hà Nội thích làm đẹp nên chiếc mũ rơm được bện bằng bẹ bắp ngô trắng mịn như tóc tết đuôi sam khâu lại thành những chiếc mũ rộng vành, có quai chắc chắn. Con gái đội mũ rơm này trông cũng duyên dáng lắm! Trong tình hình ấy, chúng tôi phải học sơ tán trong những lớp học ở các thôn xóm quanh trường được dựng bằng tranh tre nứa lá, xung quanh đắp ụ đất cao tới ngang mái nhà để tránh bom Mỹ. Từ những phòng học dã chiến này có các cửa dẫn ra hào giao thông dích dắc hình chữ chi, từng đoạn, từng đoạn lại có các hầm kèo chữ A để trú ẩn khi có báo động máy bay Mỹ vào Hà Nội. Vào thời kỳ ác liệt, có khi một tiết học phải bị đứt quãng mấy lần vì báo động máy bay giặc. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ, ngồi dưới hầm trú ẩn, thầy trò chỉ mong sớm nghe thấy tiếng loa của Đài Truyền thanh Hà Nội thông báo “Đồng bào chú ý... Đồng bào chú ý... Máy bay địch đã bay xa... Mọi sinh hoạt trở lại bình thường…”  để tiếp tục ra khỏi hầm theo hào giao thông trở vào lớp học tiếp.

Đội mũ rơm đi học.

Thế rồi cái ngày không ai trông đợi ấy cũng đã đến. Đó là ngày 2/12/1966, máy bay Mỹ ném bom xuống trường thân yêu của chúng tôi. Từ nơi học sơ tán chúng tôi đều nhìn thấy rất rõ khu vực trường ở thôn Tứ Kỳ và lặng người đi khi nhìn thấy những cột khói bom đen đặc đang bốc lên ở đó và lo lắng không hiểu có ai bị làm sao không vì vẫn còn một vài lớp học ở trường chính... Nhưng thật may mắn làm sao, nhờ ý thức cảnh giác và chuẩn bị phòng không chu đáo nên mặc dù bom Mỹ đánh trúng phòng học nhưng thày trò đều an tòan, chỉ có mấy người bị thương vì sức ép của bom và bị vùi dưới hầm trú ẩn nhưng đều được cấp cứu kịp thời...

Có thể nói những ngày tiếp theo đó là những ngày long đong nhất trong cuộc đời học trò của thế hệ chúng tôi. Địa điểm học cứ vòng quanh như đèn cù khắp các thôn xã xung quanh trường như Bằng A, Bằng B, Thanh Liệt, Đại Từ, Định Công… Có thời gian vì ban ngày báo động máy bay Mỹ quá nhiều không thể học được, chúng tôi phải chuyển sang học vào buổi tối. Thế là hành trang của chúng tôi mỗi khi đến lớp lại có thêm một chiếc đèn dầu. Trên bảng đen treo một chiếc đèn bão. Nhưng tất cả các ngọn đèn đều phải che bớt lại để không bị lộ sáng ra ngoài, chỉ để vừa đủ ánh sáng chép bài. Vậy mà thầy trò vẫn cứ vui vẻ dạy và học… Suốt cả năm học lớp 9 và lớp 10 chúng tôi phải học trong cảnh dã chiến như thế bởi Hà Nội đã thực sự là nơi chiến địa ác liệt không kém các địa phương nơi tuyến lửa. Máy bay Mỹ đã bị bắn rơi ngay trên đường phố Lê Trực. Phi công Mỹ có tên đã nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Nhân dân nội thành hầu như đi sơ tán hầu hết… Vượt lên bom đạn, mùa hè năm 1968, lứa học trò chúng tôi đã tốt nghiệp cấp 3, tạm xa mái trường Việt Nam - Ba Lan với biết bao kỷ niệm của tuổi học trò để vào các trường đại học.

Thế nhưng do chiến tranh, thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi ngày ấy rất nhiều người đã phải xếp bút nghiên ra trận. Tôi cũng là một trong số đó. Một đêm đầu tháng 9 năm 1970, trên chuyến tàu hỏa chở cánh lính sinh viên chúng tôi rời Thủ đô Hà Nội vào chiến trường, khi tàu đi qua khu vực trường Việt Nam - Ba Lan, tôi cố dán mắt qua cửa kính toa tàu để khắc ghi lại hình ảnh mái trường thân yêu, dù lúc ấy mới chỉ dựng tạm bằng tranh tre…

Ngôi trường nằm sát đường tàu
Vòm lá rung rinh như những bàn tay vẫy
Mỗi khi đoàn tàu đi qua…
 
Trường lại học rồi nhưng lớp vẫn đơn sơ
Chưa có gạch ta dựng tạm nhà tranh bên hố bom lấp dở
Tiếng còi tàu đi vào trang sách mở
Bài học đầu tiên về những người đi xa 
 
Không ai nhớ nhiều về phượng nở mấy mùa hoa
Chỉ biết từ nơi này ra đi đã bao thế hệ
Những âm thanh ở đây vẫn vẹn nguyên như thế
Bóng lá sân trường đùa nắng cứ xôn xao 
 
Những đoàn tàu xuôi về phương nam
Vẫn mang theo ngôi trường - nỗi nhớ...

Những câu thơ này là của một bạn gái học cùng lớp đại học sư phạm với tôi khi đã trở thành cô giáo dạy văn của trường Việt Nam - Ba Lan viết sau ngày chúng tôi đã ra mặt trận. Bài thơ là cảm xúc về ngôi trường ghi dấu những năm đầu dạy học của một cô giáo trẻ mà hầu hết các bạn trai đã ra chiến trường… và cũng thật đúng với tâm trạng của tôi trên chuyến tàu ra trận đêm ấy - tôi đã “mang theo ngôi trường - nỗi nhớ…” của thời học trò đi chiến đấu. 

50 năm - nửa thế kỷ, gần 2 vạn học sinh đã học và trưởng thành từ mái trường Việt Ba. Nhờ sự tận tụy và công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo, nhiều người đã trưởng thành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chúng tôi - lớp học trò một thuở học trong bom đạn.

Tháng 3 năm 2010
Nguyễn Hữu Mão
(cựu học sinh Việt Ba)

Tác giả bài viết: Admin