Nhìn từ Singapore, GS. KTS Võ Trọng Nghĩa hiến kế giáo dục ĐH Việt Nam

Với hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa vừa qua đã được trường ĐH Công nghệ và thiết kế Singapore (SUTD) mời sang làm Giáo sư thỉnh giảng từ tháng 1-4/2015.
Mặc dù chỉ có khoảng thời gian 4 tháng giảng dạy nhưng kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa cũng đánh giá được công tác thu hút nhân tài tới nghiên cứu, giảng dạy của trường ĐH nổi tiếng của Singapore và thế giới trong lĩnh vực kiến trúc này.
 
Ông đã có cuộc trao đổi với PV báo Dân trí về một mô hình có thể triển khai để tăng uy tín và nâng thứ hạng trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới.
 
Giáo sư - Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.
Giáo sư - Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.
 
PVĐã từng có thời gian dài học tập tại Nhật Bản, giảng dạy tại ĐH Bartlett (Anh), ĐH Hồng Kông, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), điều ông ấn tượng nhất ở ĐH SUTD Singapore là gì?
 
KTS Võ Trọng Nghĩa: Điều tôi ấn tượng nhất, SUTD giống như một xưởng sản xuất các bài báo khoa học. Ban giám hiệu nhà trường mời hàng chục tiến sỹ của các trường ĐH danh giá trên thế giới đến, chấp nhận trả lương cao trong 2 năm để nghiên cứu và viết được bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín thế giới.
 
Theo tôi được biết, bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín chính là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp hạng chất lượng trường đại học trên thế giới.
 
Tính đơn giản, trong 2 năm ký hợp đồng, mỗi tiến sỹ phải có được một bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí uy tín quốc tế, nếu nhà trường mời 20 tiến sỹ như vậy, đồng nghĩa nhà trường có 20 bài báo khoa học (chưa kể một số tiến sỹ được SUTD mời gọi không chỉ có 1 bài mà 2,3 bài được đăng). Khi đó  thương hiệu hay tổng giá trị của ngôi trường sẽ được nâng lên ở cấp độ hoàn toàn khác.
 
Tuy nhiên điều mà SUTD đang làm thì tôi lại thấy dường như rất khó khăn tại các trường Việt Nam. Chúng ta đã đầu tư bao nhiêu tiền cho các trường ĐH để nghiên cứu nhưng các đề tài đó liệu có được đăng ở các tạp chí danh tiếng thế giới hay không?
 
Tôi xin phép chỉ được giới hạn trong lĩnh vực tôi nghiên cứu và thực hiện là kiến trúc. Theo tôi biết, con số đó gần như không đáng kể. Điều này đồng nghĩa với Nhà nước đang lãng phí rất nhiều tiền của.
 
Vậy SUTD đã có chính sách gì để mời gọi được các tiến sỹ đến tham gia nghiên cứu và viết bài khoa học?
 
Để mời gọi và cũng như giúp các tiến sỹ cống hiến hết mình chính là mức lương và chế độ đãi ngộ rất tốt so với mức sống trung bình của người dân. Cái đó là động lực để các tiến sỹ nỗ lực và cũng là tạo ra môi trường cạnh tranh ngay trong trường.
 
Trong một môi trường cạnh tranh như SUTD, mọi người đều nỗ lực nghiên cứu, cho ra các công trình, đề tài xứng đáng. Có bài báo trên tạp chí quốc tế, họ mới được xem xét ký hợp đồng 2 năm tiếp theo. Sau 4 năm đạt kết quả, những tiến sỹ này mới được xem xét để vào vị trí “trợ giảng”.
 
Và trợ giảng cũng chỉ là hợp đồng 3 năm. Trong 3 năm này họ phải tiếp tục nghiên cứu, cho ra các bài báo để vào vị trí giảng viên chính thức với hợp đồng 4 năm. Như vậy phải mất khoảng 10 năm nỗ lực hết sức mình sau khi tốt nghiệp tiến sỹ để được là giảng viên chính thức.
 
KTS Võ Trọng Nghĩa (phải) trong lần nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế 2014.
KTS Võ Trọng Nghĩa (phải) trong lần nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế 2014.
 
Để có mức lương cao thu hút nhân tài đến nghiên cứu, theo ông được biết trường đó có cơ chế thu xếp tài chính từ đâu?
 
Vì SUTD là trường quốc lập nên nguồn vốn ban đầu được chính phủ Singapore hỗ trợ. Nhưng bạn nên hiểu, khi công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế thì mức độ ứng dụng cũng được khẳng định ít nhiều.
 
Khi đó doanh nghiệp thấy phù hợp, họ sẽ kết hợp, đầu tư thêm các khoản tiền để phát triển hoặc ứng dụng. Và khoản tiền đó được tái sử dụng cho việc thu hút nhân tài.
 
So sánh với Việt Nam, tôi tin việc này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tôi lấy ví dụ nếu chúng ta chấp nhận bỏ ra 500 triệu đồng, thậm chí hơn thế cho một công trình nghiên cứu để được đăng tải ở tạp chí uy tín thế giới, sẽ tốt hơn nhiều đầu tư cho một loạt đề tài chỉ để báo cáo rồi “xếp xó”.
 
Mời các tiến sỹ đến nghiên cứu và cho ra các bài báo quốc tế, chỉ có làm như vậy chúng ta mới có hy vọng một ngày nào đó các trường Việt Nam có một vị trí khả quan trên các bảng xếp hạng các trường uy tín thế giới. Nếu không có các bài báo quốc tế thì thật khó để được đánh giá, xếp hạng chất lượng theo cách thế giới đang làm.
 
Vậy theo ông, uy tín quốc tế thông qua bài báo khoa học có đồng nghĩa với uy tín về chất lượng giảng dạy?
 
Theo tôi là đồng nghĩa. Một môi trường như vậy sẽ kích thích sự sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy. Rất nhiều đề tài là giáo sư và sinh viên cùng nghiên cứu thực hiện. Được thử sức ở những đề tài có chất lượng là cách sinh viên được đào tạo tốt nhất ở cấp đại học.
 
Được biết dù là trường quốc lập nhưng học phí của SV tại SUTD tương đối cao (khoảng 45.000 dollar Singapore/năm), đây có phải là một cách để nhà trường góp phần cân đối tài chính nghiên cứu khoa học?
 
Tôi không bàn mức học phí đó cao hay thấp mà là có hợp lý hay không. Tại sao có những trường học phí cực thấp mà chẳng có du học sinh nào tìm đến, trong khi nhiều trường có mức học phí ngất ngưởng không chỉ ở Singapore mà Anh, Mỹ, các du học sinh mong ước được theo học. Đơn giản bởi họ có uy tín về nghiên cứu và nền tảng tri thức truyền thụ.
 
Nhiều trường ĐH, CĐ Việt Nam đang cố gắng thực hiện chính là đưa giảng viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ rồi về phục vụ hoặc mời các giáo sư, những người tốt nghiệp ở nước ngoài về giảng dạy. Đây có phải hướng đi đúng đắn không thưa ông?
 
Đây là điều rất tốt nhưng lấy cái gì làm chuẩn về việc họ đã học tập hay nghiên cứu tốt ở nước ngoài? Và các bài báo khoa học chính là một tiêu chí quan trọng.
 
Cái này cũng liên quan tới học hàm giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam. Chỉ đơn cử một giáo sư nếu được phong ở ĐH Havard, nếu đưa ra hội đồng xét duyệt ở Việt Nam thì chưa chắc đã được. Điều này có thể dẫn đến việc thất thoát người tài nếu cách xét duyệt không đồng nhất với quốc tế.
 
Mô hình USTD đang thực hiện khiến tôi nhớ lại những ngày học tập tại Nhật Bản. Thay vì yêu cầu tôi nộp luận án dày cả trăm trang, họ chỉ yêu cầu tôi thực hiện 2 đến 3 bài báo đăng trên tạp chí có uy tín là được. Thậm chí nếu không có 20 trang bài báo khoa học được đăng đó thì 200 trang luận án kia chẳng có ý nghĩa gì cả.
 
Vậy theo KTS, chúng ta nên bắt đầu từ đâu nếu muốn áp dụng mô hình này?
 
Mời nhân tài Việt Nam trên thế giới hoặc các tiến sỹ trên thế giới bất luận quốc tịch gì, có chính sách đãi ngộ, mức lương và môi trường khoa học để họ thực hiện đề tài, cho ra những bài báo, sản phẩm trên tạp chí uy tín quốc tế. Chính những điều đó giúp nhà trường có được xếp hạng quốc tế. Không có những bài báo đó thì đừng bàn đến thứ hạng thế giới mà chúng ta mãi chỉ… “ngoại hạng”.
 
Và nếu chỉ nhìn vào con số kinh phí chi ra để cho rằng tiền đó tập trung cho các sinh viên nghiên cứu rồi bàn lùi thì không nên. Bởi như thế lại quay về vấn đề cũ, đầu tư rồi nhưng hàng chục năm qua, chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo khoa học trên thế giới?
 
Ngoài ra, trong phạm vi hẹp xây dựng và kiến trúc mà tôi đang nghiên cứu, bên cạnh bài báo quốc tế thì tham gia các giải thưởng quốc tế cũng là hướng đi tuyệt vời, hai khía cạnh này sẽ bổ trợ lẫn nhau. Giống như một bộ phim của nền điện ảnh phải chất lượng cỡ nào mới có cơ hội được đề cử và chiến thắng ở giải Oscars.
 
Cơ hội là công bằng cho tất cả mọi người. Thậm chí ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển, nhu cầu xây dựng nhiều nên đề tài nghiên cứu rất phong phú. Và tôi tin các ngành đào tạo khác cũng vậy, cơ hội cũng vẫn còn rất rộng mở.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
 
 
Một số thông tin về KTS Võ Trọng Nghĩa:
 
- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa
- Tốt nghiệp Thủ khoa Đại Học Công nghệ Nagoya, Nhật Bản (2002), tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sỹ khoa Xây dựng Đại Học Tokyo, Nhật Bản (2004).
- Thành viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Nhật Bản (JIA), Hội Kiến trúc sư Hoàng Gia Anh (RIBA).
 
Giải thưởng đạt được:
 
- 3 lần đạt HCV giải thưởng của Hội KTS châu Á
- 6 lần đạt giải nhất tại Festival Kiến trúc Thế giới (World Architecture  Festival)
- 7 lần đạt giải thưởng Kiến trúc Thế Giới (International Architecture Award)
- 8 lần đạt giải Green Good Design của Mỹ
- Đạt giải 21 Kiến trúc sư tiêu biểu cho thế kỷ 21 của WAN (World Architecture News)
- Kiến trúc sư của năm 2012 do Ashui tổ chức
- Công trình Stacking Green được bình chọn  Building of the year 2012 – Giải thưởng của tạp chí Archdaily
-    Đạt nhiều giải thưởng FuturArc do BCI Asia tổ chức: Giải nhì FuturArc 2013, giải nhất FuturArc Green Leadership 2012, giải nhất FuturArc Green Leadership 2011
 
- Giảng dạy tại ĐH Bartlett (Anh), ĐH Hồng Kông, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Công nghệ và thiết kế (Singapore), ĐH Kỹ thuật Braunschweig (Đức); nói chuyện tại Festival Kiến trúc Thế giới (World Architecture Festival).
 
- Thành viên Ban giám khảo tại WAN 21 (World Architecture News), Borderless competition, World Architecture Festival 2013 (WAF).

Theo http://dantri.com.vn/


 
Lê Trường (thực hiện) 

Tác giả bài viết: Admin