Lời tâm sự của Hiệu trưởng khiến nhiều học trò xúc động

Sáng 18/4, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) tổ chức chương trình ngoại khóa nhằm tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm và thực hiện an toàn giao thông cho học sinh. Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu khiến nhiều học trò xúc động.

Chương trình ngoại khóa với chủ đề “Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông - phong cách đẹp của học sinh Thủ đô” nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm, nâng cao nhận thức, ý thức về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện tham gia giao thông đối với học sinh. Góp phần giảm thiểu vi phạm an toàn giao thông và xây dựng nét đẹp cho học sinh THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội).

Mở đầu buổi sinh hoạt ngoại khóa này, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú bày tỏ: “Hôm nay, ngày 18/4 là ngày Người khuyết tật Việt Nam, chúng ta chân thành gửi sự cảm thông, chia sẻ đến những người khuyết tật ấy, không ít người bị khuyết tật mà nguyên nhân là do tai nạn giao thông. Các con hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình không rơi vào nguy cơ đó, lẽ nào các con không làm như vậy. Bởi vậy, khi tham gia giao thông chúng ta cần chấp hành đội mũ bảo hiểm để giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc. Và khi chưa đủ điều kiện, nhất định học sinh không đi xe máy”.

 

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp.
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp.

 

“Hôm nay, nhà trường quyết định dừng hai tiết học để tổ chức lễ tuyên truyền và phát động đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho học sinh toàn trường. Thực tâm, cô và các thầy cô giáo đều tiếc hai tiết học, nhất là vào thời điểm ôn thi cuối năm. Nhưng cô xin thật lòng chia sẻ là sau mỗi ngày, cô thường về muộn nhất trường và lòng chỉ thanh thản khi không nhận được thông tin gì liên quan đến sự an toàn của các thành viên đại gia đình Phan Huy Chú” - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú trải lòng với học trò.

Để học sinh hiểu hơn về tầm quan trong của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, cô Nguyễn Thị Nhiếp nhắc lại kỷ niệm đau lòng 20 năm về trước.

“20 năm trong nghề, kỷ niệm đau lòng cô không muốn nghĩ đến nhưng lại cần trải lòng với các con ngày hôm nay. Đó là, cô đã phải chia tay mãi mãi 3 học trò vì tai nạn giao thông và cô đã chứng kiến hình ảnh đau khổ đến tột cùng của những người làm cha mẹ khi mất con” - cô hiệu trưởng nói trong nước mắt.

“Với cô, không có điều gì quan trọng hơn sự an toàn của chính các con bởi đó là sự an bình của mỗi gia đình các con. Đó là điều kiện để nhiệm vụ dạy tốt - học tốt có hiệu quả và ý nghĩa. Cô muốn các con cùng ý thức, việc thực hiện đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn giao thông đã được thầy cô đưa lên hàng quan tâm thứ nhất. Giờ đây, ở đâu và ai quan tâm sâu đến việc đội mũ bảo hiểm của con thì ở đấy có tình yêu thương chu đáo và sâu sắc nhất. Thầy cô đang tận tâm lo cho các con. Và lẽ nào các con không lo cho mình? Không nể thầy cô và không cha mẹ?” – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp nhắn nhủ học trò của mình. 

 

5 thông điệp về an toàn giao thông được cô và trò đưa ra bày tỏ sự quyết tâm.
5 thông điệp về an toàn giao thông được cô và trò đưa ra bày tỏ sự quyết tâm.

 

Không chỉ nhắn nhủ học sinh của trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp còn bày tỏ mong muốn có sự giúp sức từ chính các bậc phụ huynh.

“Rất nhiều nơi, trên nhiều phương tiện thông tin, tôi thường thấy dòng chữ “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”. Các con ở cấp học này tự đội mũ được nhưng vẫn cần các bác nhắc nhở thường xuyên việc đội mũ bảo hiểm mỗi khi các con tham gia giao thông bằng xe đạp điện hoặc xe máy điện và cả khi đủ điều kiện đi xe máy. Mong các bác cùng chúng tôi giúp các con tạo nếp sống thanh lịch, cẩn thận và có phong cách đẹp. Chúng tôi mong muốn các con là của để dành của các bác không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp cả nhân cách” – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp bộc bạch.

Khuyên bảo học trò một cách hết sức nhẹ nhàng nhưng lại đi vào lòng người nên những lời tâm sự của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp khiến nhiều học trò xúc động.

Tiếp tục khuyên bảo học trò của mình, cô Nguyễn Thị Nhiếp tâm tư: Các con đáng yêu với nét đẹp của tuổi trẻ và cũng có cả sự bồng bột của tuổi trẻ. Khi không đội mũ bảo hiểm, không những con đã vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà còn phụ công lo lắng của cha mẹ và thầy cô. Tai nạn có thể chưa xảy ra nhưng không ai dám chắc nó sẽ không xảy ra. Con hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bởi chiếc mũ không chỉ bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm cho tính mạng mà còn bảo toàn cho tư cách đẹp của con.

Cô hết sức buồn khi biết có con để đầu trần đi xe đạp điện, xe máy điện, khi đến gần cổng trường mới dừng lại đội mũ bảo hiểm. Hành động ấy trông rất xấu, nó vụng trộm và mất tư cách lắm. Sao con không đàng hoàng, thoải mái vì con là của gia đình có văn hóa, là trò của một ngôi trường có nề nếp.

 

5 thông điệp về an toàn giao thông được cô và trò đưa ra bày tỏ sự quyết tâm.
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú hưởng ứng việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông - phong cách đẹp của học sinh Thủ đô.

 

“Mỗi con là một tấm gia thiếp về gia đình mình. Khi con ăn mặc đẹp, đội mũ bảo hiểm an toàn, ngay ngắn thì hình ảnh con nói lên con được gia đình yêu thương và chăm lo giáo dục. Khi các con mặc đồng phục tham gia giao thông có mũ bảo hiểm nghiêm túc, ai cũng hiểu cô và các thầy cô Trường Phan Huy Chú - Đống Đa đã dạy dỗ các con tận tình. Khi cô - người đứng đầu nhà trường đứng đây thiết tha nói những điều này, lẽ nào con hời hợt nhạt nhẽo? Lẽ nào con lãng quên? Lẽ nào con lại thờ ơ, vô cảm?” – Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú nhấn mạnh với học trò.

Kết thúc bài phát hiểu của mình, cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ mong muốn đối với học trò: "Chủ đề của ngày hôm nay “Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông - phong cách đẹp của học sinh thủ đô”. Cô mong các con hãy tạo phong cách đẹp của học sinh Hà Nội bằng đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện mà quan trọng hơn để ngày càng hoàn thiện nhân cách của mình.

Từ giây phút này trở đi, đã tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện và sau này khi các con đã đủ điều kiện đi xe máy, dù là các con đến trường hay đi chơi thì con luôn đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và luôn thực hiện đúng luật an toàn giao thông. Các con đừng bao giờ hưởng ứng suông mà hãy tự trọng thực hiện vì chính mình. Hãy hưởng ứng bằng những hành động thiết thực nhất".

Nguyễn Hùng (ghi)

Tác giả bài viết: Admin