Có ai đó đã nói rằng: “Dìu dắt đàn em, mở rộng tầm nhìn, đánh thức tâm hồn, định hướng tương lai. Đó là Sứ mệnh cao cả của người thầy”. Quả đúng như vậy. Nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ là phát huy trí tuệ của học sinh mà còn vun đắp tâm hồn và giúp các em từng bước hoàn thiện nhân cách. Đối với người giáo viên chủ nhiệm, ngoài công việc giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm còn phải là một nhà giáo dục, nắm bắt những tâm tư, tình cảm, chăm lo đến quá trình học tập và rèn luyện đạo đức của mỗi em và của cả tập thể học sinh.
Trong công tác chủ nhiệm, giờ sinh hoạt lớp đóng vai trò quan trọng. Đó là một hoạt động giáo dục hữu ích góp phần xây dựng tập thể học sinh đoàn kết và giúp các em phát triển những kĩ năng sống cơ bản. Chính thông qua hoạt động này, giáo viên chủ nhiệm có điều kiện gắn bó với học sinh trong một cộng đồng chung để cùng giải quyết những vấn đề của tập thể, đồng thời nắm những thông tin cần thiết làm cơ sở để đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, người giáo viên chủ nhiệm phải biết phát huy vai trò, năng lực của học sinh. Phát huy tính tích cực của học sinh là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt giờ sinh hoạt lớp.
Phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ sinh hoạt lớp
Trong nhà trường phổ thông, giờ sinh hoạt lớp thường được xếp vào tiết học cuối của mỗi tuần học. Đây là thời điểm để các em học sinh tự đánh giá những hoạt động học tập, rèn luyện của cá nhân và tập thể lớp trong tuần, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hoạt động cho tuần tiếp theo nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch năm học. Đây cũng là dịp để các em được bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm và tham gia các sinh hoạt tập thể cùng với các thành viên trong lớp. Từ đó, các em sẽ được trải nghiệm, được rèn luyện và phát triển nhân cách.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không ít những giờ sinh hoạt lớp diễn ra trong không khí nặng nề, căng thẳng hoặc qua loa đại khái làm mất đi mục tiêu, ý nghĩa và tác dụng giáo dục của tiết học này. Nguyên nhân chính là do học sinh không được phát huy vai trò chủ thể, tích cực, không được cùng nhau tổ chức, tham gia vào các hoạt động tập thể. Nội dung giờ sinh hoạt lớp thường khô cứng, không thực sự gắn với nhu cầu của các em. Hình thức tổ chức giờ sinh hoạt lớp còn đơn điệu, nhàm chán, không hứng thú...
Từ thực tiễn đó, việc phát huy vai trò chủ thể tích cực của học sinh để tổ chức tốt giờ sinh hoạt lớp là điều cần thiết.
Phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ sinh hoạt lớp xuất từ quan niệm học sinh phải là chủ thể của hoạt động giáo dục này. Tất cả các em được tham gia vào giờ sinh hoạt lớp với những vai trò và vị trí khác nhau như điều hành các bước của giờ sinh hoạt, góp ý xây dựng tập thể, tổ chức sinh hoạt tập thể, tham gia tọa đàm/trò chơi, cổ động... Sự tham gia đó phải thực sự bắt nguồn từ nhu cầu và hứng thú của học sinh.
Trong giờ sinh hoạt lớp, đội ngũ ban cán sự đảm nhiệm công tác điều hành, tổ chức tổng kết, đánh giá thi đua và xây dựng kế hoạch. Giáo viên chủ nhiệm “trao quyền” cho các em quản lý và điều khiển các bước của giờ sinh hoạt. Cụ thể:
- Các tổ trưởng báo cáo cụ thể kết quả thi đua của từng thành viên và cả tổ trong tuần (điểm thi đua, xếp loại hạnh kiểm, điểm trung bình chung của tổ...)
- Các lớp phó văn thể mĩ, nề nếp, lao động nhận xét tình hình từng mảng mà mình phụ trách.
- Lớp trưởng điều khiển học sinh thảo luận, đóng góp ý kiến về các hoạt động của lớp, về việc theo dõi thi đua của các tổ... Trên cơ sở ý kiến của các bạn và quá trình theo dõi lớp trực tiếp, lớp trưởng tổng kết những mặt mạnh, mặt yếu của tập thể, đề xuất tuyên dương những cá nhân điển hình hay phê bình cá nhân vi phạm. Từ đó định hướng kế hoạch cho tuần tới.
Lớp trưởng Kiều Quốc Anh đang hướng dẫn các bạn trong lớp 12A2 thảo luận
Để ban cán sự lớp làm việc nghiêm túc và có hiệu quả trong giờ sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm không phải “khoán trắng” cho các em mà phải đóng vai trò là người cố vấn, giúp các em tự tin thực hiện nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình
Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Minh Phượng trong giờ sinh hoạt lớp 12A2 Phát huy tính tích cực của học sinh đồng nghĩa với việc khích lệ các em khám phá và phát huy những năng lực của bản thân, khuyến khích tinh thần tự chủ, tự lập. Trong công tác giáo dục, người giáo viên cần chú trọng điều đó. Bởi vì chỉ khi nào việc học tập và rèn luyện nhân cách xuất phát từ nhu cầu và hứng thú của học sinh, lúc đó giáo dục mới thực sự có hiệu quả.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn là vi phạm bản quyền