::Danh mục

Trang nhất » Tin Tức

Văn hóa đọc có thật sự “xuống cấp”?

Chủ nhật - 19/04/2015 22:22
Văn hóa đọc của Việt Nam không hề suy đồi? Vấn đề là giới trẻ của chúng ta đang quan tâm gì và đọc gì?

Văn hóa đọc có thật sự “xuống cấp”?
 

Với lượng bán “khủng” khiến cho sách ngôn tình trở thành nguồn lợi chính cho một số nhóm lợi ích, thật khó để có thể nói là văn hóa đọc đang suy đồi. Người đọc vẫn đọc đấy, nhưng điều quan trọng là họ tiêu tiền vào những ấn phẩm như thế nào?

Có vấn đề là trả hàng ngay

“Mặc dù biết là xã hội đã lên án rất nhiều những cuốn sách không tốt này nhưng với tư cách một đơn vị phát hành thì nhân viên khai thác sách không thể có thời gian và cũng không đủ trình độ để thẩm định từng cuốn sách được - Bà Phạm Thị Hóa, trưởng phòng Kinh doanh công ty Phát hành sách Fahasa cho biết – Nhất là khi những câu chữ, trường đoạn “nhạy cảm” lại chỉ được “gài” vào một vài trang giữa sách nên cũng rất khó cho nhân viên kinh doanh có thể tự thẩm định. Hơn nữa, trách nhiệm đã thuộc về NXB là nơi cấp phép ấn phẩm mà, khi ký hợp đồng phát hành, bao giờ cũng có điều khoản đơn vị cung cấp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng ấn phẩm”.

Đơn vị phát hành không thể kiểm soát được nội dung ấn phẩm, tuy nhiên, bà Hóa cho biết: “Khi có thông tin về những cuốn sách không tốt thì chưa cần NXB thu hồi, chúng tôi cũng sẽ tự thu lại và trả hàng lại ngay cho đơn vị cung cấp. Như những cuốn của NXB Kim Đồng thời gian vừa rồi, Cục Xuất Bản chưa đánh giá đó là lỗi đáng thu hồi nhưng chúng tôi vẫn trả lại. Các thông tin từ độc giả cũng rất đáng quý, độc giả phát hiện ra và phản hồi vào hộp thư về các yếu tố không lành mạnh thì cho dù cơ quan quản lý không cấm thu hồi chúng tôi cũng thẩm định lại rồi trả hàng ngay chứ nhất định không tạo điều kiện cho sai phạm “lọt lưới”.

Cấm cửa và mở cửa

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định cho dù có lệnh thu hồi từ cơ quan chức năng, vẫn rất nhiều cuốn sách vi phạm được bày bán, bởi vì lệnh cấm đó chỉ là… trên giấy. Nhưng đơn vị xuất bản nào cũng e ngại phản ứng của thị trường, việc nhà phát hành và công chúng phản hồi mạnh mẽ bao giờ cũng là cách “cấm cửa” hiệu quả nhất đối với các ấn phẩm tồi.

Và để “mở cửa” cho những ấn phẩm tốt đến được với số đông công chúng đọc, các nhà phát hành lớn như Phương Nam, Fahasa… ngoài việc hình thành hàng rào tự “đóng cửa” đối với ấn phẩm xấu thì đều thường xuyên sẵn lòng “mở cửa” đón các tác giả có tác phẩm tốt, gây được dư luận, các chương trình giao lưu, tọa đàm, hoạt động tôn vinh văn hóa đọc.

Văn hóa đọc có thật sự “xuống cấp”?
 

“Như chương trình giao lưu với nghệ sĩ Thành Lộc và cuốn hồi ký “Tâm thành và lộc đời” tại nhà sách Phương Nam, độc giả kéo tới đông nghẹt không còn chỗ mà chen chân nữa - Bà Thanh Thủy, Phòng Kinh doanh công ty PHS Phương Nam cho biết - Chúng tôi cũng mong muốn có được những tác giả và tác phẩm tốt để thu hút công chúng”.

“Fahasa cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với nhiều tác giả tại hệ thống nhà sách, như giao lưu với tác giả Nguyễn Phong Việt, nữ tác giả cuốn hồi ký “192 giờ giành giật sự sống” - Annette Herfkens, người duy nhất sống sót trong thảm nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha cách đây 22 năm… - Bà Phạm Thị Hóa, trưởng phòng Kinh doanh Fahasa cho biết - Cuối tuần tới, ngày 25-4 sẽ có buổi giao lưu với giáo sư Huỳnh Văn Sơn và giới thiệu các đầu sách về kỹ năng sống tại nhà sách Tân Định (đường Hai Bà Trưng), quận 3, TP HCM”.

Văn hóa đọc có thật sự “xuống cấp”?
 

Ông Vũ Hoàng Giang - Phó giám đốc công ty văn hoá truyền thông Nhã Nam, đơn vị xuất bản sách văn học hàng đầu Việt Nam cho biết lý do vì sao họ lại chọn “đi ngược dòng” như vậy: “Tiêu chí mà Nhã Nam luôn theo đuổi, đó là “Bởi vì sách là thế giới”. Mỗi cuốn sách là một thế giới hoặc góp phần kiến tạo nên thế giới, nên nếu những người làm sách mà quá ham chạy theo lợi nhuận thì sẽ tạo ra một thế giới tồi tệ. Chúng tôi cố gắng bằng sức mình góp phần đưa những điều tốt đẹp lên ngôi”.

Ông Trịnh Minh Tuấn - Giám đốc công ty CP sách Quảng Văn cũng khẳng định, những đơn vị hàng đầu như Nhã Nam có làm sách ngôn tình nhưng là sách hay, còn Quảng Văn thì tuyệt đối “nói không” với sách ngôn tình.

Bao giờ hết bão ?

“Đừng vội trách các bạn độc giả trẻ - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói - Hãy nhìn thấy cái lỗi của người lớn trước đã. Nhìn tổng thể, cả tâm thế xã hội, môi trường xã hội nhiều ngành nghề đang bị thả nổi nên nếu nói cơ quan quản lý cứ cấm hay phạt hành chính thì cũng ko giải quyết được vấn đề. Ngay cả người lớn chúng ta, trước đây có thể có nhưng hiện tại cực kỳ thiếu vắng tầng lớp biết thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật thượng lưu. Tác phẩm hay cũng quá ít trong khi tác phẩm nhảm nhí thì tràn lan cho nên giới trẻ không biết phải lựa chọn thế nào”.

“Cũng đừng sợ truyện ngôn tình - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định - Vào thời buổi văn hóa nghe nhìn nó quá quyến rũ con người như hiện nay thì các chuyên gia lại cho rằng những tác phẩm nhưHồi ức cô gái điếm buồn của tôi của G. Marquez có nhiều trường đoạn mô tả quan hệ nam nữ kỹ lưỡng lại là một trong những phương tiện kéo con người trở lại với văn hóa đọc. Vấn đề này thực sự mang tính nhân loại. Và quan trọng là nghệ thuật kể chuyện thế nào thôi”.

Vả lại, đối với dòng sách ngôn tình thì các chuyên gia đều nhắc nhở là không nên nhìn ở khía cạnh giá trị của sách văn học mà chỉ nên xét nó ở khía cạnh giải trí. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định: “Rất khó trông chờ vào một chiến lược mang tầm quốc gia nào để xử lý hiện trạng văn hóa đọc hiện nay. Chỉ hy vọng nó cũng như cơn bão đến rồi sẽ đi. Chỉ thấy ý kiến từ các chuyên gia là có giá trị và các bậc cha mẹ nếu quan tâm đến sâu sát đến con cái mình thì tự bảo vệ gia đình mình thôi”.

Thực tế, mỗi năm, lượng người đến và mua sách ở các hội sách rất đáng để hy vọng sự phát triển của văn hóa đọc, trong đó chắc chắn có nhiều độc giả trẻ. Như hiện tại là đường sách TP HCM (trước Bưu điện Thành phố, khu vực vỉa hè Công xã Paris, từ ngày 18 đến hết ngày 21/4) và Hội sách Hà Nội (Công viên Thống Nhất, từ ngày 17 đến hết ngày 21/4). Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý đã làm hay chưa trách nhiệm quản lý, định hướng ấn phẩm để ảnh hưởng tới công chúng đọc? Và kêu gọi lương tâm nghề nghiệp của những người làm trong ngành xuất bản, cả công chúng và người làm nghề cần tẩy chay những nhà làm sách thiếu lương tâm, sẵn sàng đầu độc xã hội chỉ vì những món hời nho nhỏ.

Minh Tuệ
http://dantri.com.vn/

Tác giả bài viết: Admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
02:34 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

::Thành viên

::Thăm dò ý kiến

Bạn thấy giao diện website thế nào?

Đẹp

Bình thường

Không đẹp

Ý kiến khác

::Lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 141

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3387

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 2686818

::Tra cứu Lớp 10