Những hạn chế về cách thiết kế nội dung các môn học và hoạt động giáo dục cùng với những hạn chế về hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phương pháp và nội dung của hoạt động kiểm tra, đánh giá là nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng; hạn chế hiệu quả hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chưa đáp ứng được yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng, phát triển khả năng sáng tạo, tự học để học tập suốt đời.
Nghị quyết số 29-NQ/TW yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”
Định hướng việc dạy và học trong chương trình mới
Với yêu cầu như vậy thì việc đổi mới phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học trong chương trình phổ thông mới sẽ thực hiện theo định hướng nào?
Giải đáp vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Về phương pháp dạy học sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục/dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ băng hợp tác, khả năng tư duy độc lập của người học. Học sinh tự tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động học tập dưới sự chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn của giáo viên; học sinh được trình bày và bảo vệ ý kiến của mình, được lắng nghe và phản biện ý kiến của bạn, nhất là khi tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo; khắc phục lối truyền đạt áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.
Hình thức dạy học không sẽ thay đổi theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho việc chuyển hình thức tổ chức giáo dục từ chủ yếu là dạy học trên lớp sang đa dạng hóa hình thức học tập, đồng thời với dạy học trên lớp phải chú trọng các hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học. Cân đối giữa dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân; giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn để đảm bảo hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng của học sinh, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung, vừa phát triển tiềm năng của cá nhân người học.
Cùng với dạy học trên lớp, coi trọng hơn các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo. Chú ý đến tính đặc thù cả các lĩnh vực giáo dục khác nhau: lĩnh vực về học vấn, lĩnh vực về kỹ năng (ngoại ngữ, kĩ năng sống, kĩ năng tin học), lĩnh vực giáo dục năng khiếu (nghệ thuật, thể thao), lĩnh vực giáo dục giá trị sống.
Song hành với đó là tăng cường hiệu quả của các phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ đối mới việc lựa chọn và thiết kế nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Tạo điều kiện cho học sinh được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong xã hội, nhất là qua Internet...Từ đó phát triển năng lực tự học và chuẩn bị tâm thế cho học tập suốt đời.
“Trong những năm gần đây, việc đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và phương tiện dạy học đã bước đầu chuyển biến, đã khắc phục một phần những hạn chế và đặt cơ sở ban đầu cho những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới” – Lãnh đạo này nói.
Giao quyền tự chủ cho cơ sở
Để làm tốt những định hướng nói trên thì đòi hỏi việc quản lý thực hiện chương trình giáo dục phổ thông phải được đổi mới mạnh mẽ bởi việc quản lý thực hiện chương trình hiện hành chưa phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên, cán bộ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục của các vùng khó khăn. Thiếu tính hệ thống trong việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện chương trình.
Trước băn khoăn này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, việc quản lý chương trình phổ thông sẽ được đổi mới theo định hướng dựa trên tinh thần phân cấp cho địa phương, giao quyền tự chủ cho cơ sở nhằm phát huy sự sáng tạo, chủ động của địa phương, cơ sở nhà giáo, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường. Mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa.
Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, việc giao quyền tự chủ trên cơ sở đúng việc, đúng chức năng, đúng thẩm quyền. Cụ thể, Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.
Dựa trên mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình thống nhất toàn quốc, đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường. Chuyển từ việc các nhà trường thực hiện rập khuôn chương trình sang trao quyền cho các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương và điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Bên cạnh đó cũng từng bước bồi dưỡng nâng cao năng lực; giao việc cho người có năng lực làm được. Chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang tự chủ, nên cần có từng bước thực hiện, vừa thực hiện vừa bồi dưỡng để nâng cao năng lực của cán bộ quản lí nhà trường và giáo viên. Chẳng hạn như, phải bồi dưỡng năng lực cho giáo viên để đảm bảo tính khả thi thực hiện chương trình mới; ban đầu những nội dung mới và khó có thể giao cho nhiều giáo viên cùng dạy, mỗi người một phần; chuyên đề tích hợp, liên môn được giao cho giáo viên có khả năng nhất rồi tiếp tục bồi dưỡng những người chưa làm được; bồi dưỡng về phương pháp dạy học, phương pháp soạn đề thi; khuyến khích, phát hiện nhân tố mới. Cán bộ quản lý cần đổi mới phong cách quản lý để tạo điều kiện, động viên giáo viên tích cực, thật tâm, thật lực, sáng tạo trong hoạt động giáo dục; phát hiện, giúp đỡ dìu dắt để phát triển, nhân rộng các nhân tố mới, tiến bộ dù ban đầu còn chưa thật sự hiệu quả tốt; tránh áp đặt ý kiến cá nhân, kinh nghiệm chủ nghĩa.
Nguyễn Hùng
Theo http://dantri.com.vn/
Tác giả bài viết: Admin
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn là vi phạm bản quyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn